Bà Đặng Thị Hoàng Yến, sau 8 năm vắng mặt, đã xuất hiện trở lại tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2020 của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA)
8 năm bận
CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2020 trực tuyến, với sự xuất hiện của Chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến, sau 8 năm vắng mặt với lý do bận.
Xuất hiện trước cổ đông, bà Yến nói: "Thời gian trôi qua rất nhanh, năm nay gặp lại mọi người thì trong dịp rất đặc biệt. Trong tương lai, xu thế đại hội trực tuyến sẽ phổ biến, không những ĐHĐCĐ mà những hoạt động khác cũng sẽ phát triển thông qua Internet. Tôi nghĩ nó sẽ là xu thế sắp tới trong bối cảnh dịch bệnh nhiều khả năng còn diễn biến phức tạp trong những năm sắp tới".
Điểm lại những năm trước đó, việc Chủ tịch Yến liên tục vắng mặt tại các kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên với lý do "bận" khiến nhà đầu tư lần lượt rời bỏ ITA. Trong bối cảnh tình hình kinh doanh chưa khởi sắc, lại không nhận được phản hồi từ ban lãnh đạo khiến ITA được thị trường ví như "nhà không chủ", cổ phiếu chỉ lình xình ở mức trà đá 2.000 đồng/cp dù nền cơ bản của doanh nghiệp khá lớn với các dự án hạ tầng, KCN, trường học,...
Đại gia Đặng Thị Hoàng Yến bất ngờ tái xuất sau 8 năm vắng bóng |
Năm 2019, doanh thu thuần ITA đạt 1.306,6 tỷ đồng cao gấp 2,7 lần cùng kỳ, lợi nhuận gộp đạt 420,3 tỷ đồng tăng 82% so với năm 2018. Sau khi trừ các khoản chi phí ITA lãi ròng 206 tỷ đồng tăng cao gấp 2,5 lần cùng kỳ; trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về công ty mẹ đạt 203 tỷ đồng. Đây cũng là mức lãi cao nhất mà ITA đạt được kể từ năm 2011 đến nay.
Lùm xùm tại Coteccons
Ngày 2/6/2020, cổ đông lớn Kusto đã có Thông cáo báo chí trong đó nêu rõ Kusto đề xuất tổ chức Đại hội cổ đông bất thường để cổ đông của Coteccons có thể biểu quyết về việc thay đổi HĐQT hiện tại, bầu HĐQT mới, đồng thời thực hiện một kiểm toán đặc biệt về hoạt động kinh doanh Coteccons liên quan đến các vấn đề về xung đột lợi ích và giao dịch với bên liên quan.
Kusto cho rằng, một số thành viên của HĐQT Coteccons đang giữ các vị trí tương tự trong Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Ricons, có quyền sở hữu đáng kể ở Ricons, đồng thời tăng cường khả năng ra quyết định trong hoạt động hàng ngày của Coteccons.
Phản đối việc sáp nhập Ricons vào Coteccons, Kusto nhấn mạnh, Ricons ngoài việc là nhà thầu phụ của Coteccons, còn có thể cạnh tranh với Coteccons bởi hoạt động kinh doanh của Ricons cũng là hoạt động kinh doanh cốt lõi của Coteccons.
Khẳng định “những cáo buộc của Kusto là vô căn cứ”, Coteccons cho biết những cáo buộc này đã và đang gây tác động tiêu cực đến các cổ đông khác, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá cổ phiếu CTD cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh Công ty.
Về việc đơn phương yêu cầu tổ chức ĐHĐCĐ bất thường và những cáo buộc vô căn cứ của Kusto, Coteccons cho biết, nhóm Kusto (hiện chiếm tỷ lệ sở hữu rất lớn) đã từng gửi yêu cầu tổ chức ĐHĐCĐ bất thường vào ngày 15/10/2019 và ngày 23/4/2020 nhằm bãi miễn tư cách thành viên HĐQT của Chủ tịch là ông Nguyễn Bá Dương và Tổng Giám đốc là ông Nguyễn Sỹ Công. Tuy nhiên, HĐQT đã họp và bác bỏ yêu cầu trên cũng như có công văn giải thích chi tiết cho nhóm cổ đông này.
Con gái bà Cao Thị Ngọc Dung ứng cử vào HĐQT
Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) vừa công bố danh sách 3 ứng viên tham gia HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025 gồm bà Trần Phương Ngọc Thảo, Tổng giám đốc Talentnet Tiêu Yến Trinh và Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư Alphanam Nguyễn Tuấn Hải.
Bà Trần Phương Ngọc Thảo sinh năm 1984, là con gái lớn của Chủ tịch HĐQT PNJ Cao Thị Ngọc Dung và ông Trần Phương Bình.
Bà Thảo tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành quản lý kinh tế tại Đại học Oxford (Anh), sau đó nhận bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh của London Business School và bằng tiến sĩ kinh tế học tại Đại học Harvard (Mỹ). Bà Thảo từng có hai năm làm giảng viên tại Đại học Kinh tế TP.HCM, sau đó đảm nhiệm chức quản lý tại Ngân hàng Đông Á và ANZ Banking Group (Úc). Hiện bà Thảo cũng là Giám đốc trung tâm chuyển đổi số hoá và nắm giữ 5,74 triệu cổ phiếu PNJ, tương đương 2,5% cổ phần đang lưu hành.
Trước khi bà Thảo ứng cử, HĐQT PNJ chỉ còn 6 người. Ông Robert Alan Willet - Thành viên HĐQT độc lập - vừa nộp đơn từ nhiệm sau 2 năm gắn bó. Cuối tháng 2, hai thành viên khác cũng từ nhiệm là bà Phạm Vũ Thanh Giang và bà Phạm Thị Mỹ Hạnh.
Bầu Thụy bất ngờ rút khỏi đất vàng Hà Nội
CTCP Du lịch Kim Liên vừa công bố Nghị quyết Đại hội cổ đông thường niêm 2020 với thông tin quan trọng thống nhất miễn nhiệm ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) khỏi vị trí chủ tịch. Động thái này có lẽ cũng đánh dấu một bước rút lui của đại gia Nguyễn Đức Thụy.
Trước đó, tổ hợp Kim Liên được xem là dự án tham vọng nhất của bầu Thụy với tổng vốn đầu tư lên tới trên 600 triệu USD. Đây được xem là một bước tiến mới của đại gia Ninh Bình vào thị trường bất động sản Hà Nội.
Bầu Thuỵ |
ĐHĐCĐ 2020 không chỉ thông qua việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch và thành viên HĐQT của ông Nguyễn Đức Thụy, mà còn phê duyệt việc miễn nhiệm thành viên HĐQT với ông Nguyễn Chí Kiên.
Thay cho 2 vị trí chủ chốt này là ông Phan Mạnh Hùng (SN 1978) và ông Trịnh Văn Thiệm (SN 1978). Ông Thiệm là TGĐ của Bình Minh Group - cổ đông lớn nắm 11% tại Du lịch Kim Liên là người thay thế Bầu Thụy trở thành Chủ tịch HĐQT. Trong khi đó, ông Phan Mạnh Hùng là Kế toán trưởng, Phó tổng giám đốc kiêm Trợ lý Chủ tịch HĐQT CTCP Du lịch Kim Liên (trợ lý cho ông Nguyễn Đức Thụy).
Hiện, trong cơ cấu cổ đông của Du lịch Kim Liên, ngoài ThaiGroup của Bầu Thụy vẫn là cổ đông lớn nhất, thì Tài chính Bưu điện (PTFinance) đang nắm 6,69%. PTFinance thuộc sở hữu của doanh nhân Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch BRG Group. Đầu năm 2018, SeABank của bà Nga đã chi ra 710 tỷ đồng để sở hữu 100% vốn của PTFinance.
Đại gia lên núi ở ẩn
Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen đăng ký bán 15 triệu cổ phiếu Tập đoàn Hoa Sen (HSG). Giao dịch được thực hiện qua thỏa thuận và khớp lệnh từ 3/6 - 2/7/2020, mục đích nhằm giải quyết nhu cầu tài chính.
Trước giao dịch, Đầu tư Hoa Sen nắm giữ hơn 108 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 24,3%. Nếu thực hiện bán ra thành công, tỷ lệ sở hữu của Đầu tư Hoa Sen tại HSG sẽ giảm về 20,95% vốn, tương đương hơn 93 triệu cổ phiếu.
Hiện, ông Lê Phước Vũ cũng đang giữ vị trí Chủ tịch HĐQT tại Đầu tư Hoa Sen. Tại HSG, ông Vũ hiện đang sở hữu 12,2% vốn Công ty, tương ứng hơn 54,3 triệu cổ phiếu.
Mới đây bà Hoàng Thị Xuân Hương, em gái Phó Tổng Giám đốc Hoàng Đức Huy đã bán toàn bộ 7,15 triệu cổ phiếu HSG. Giao dịch thực hiện qua phương thức khớp lệnh và thỏa thuận vào ngày 25/5.
Một nữ tổng giám đốc bất ngờ bỏ trốn
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có quyết định truy nã bị can đối với Huỳnh Thị Ngân Trang (SN 1983, chỗ ở trước khi bở trốn tại quận 1, TP HCM) liên quan đến vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư Sao Vàng (Công ty Sao Vàng) và Công ty CP Dịch vụ SVS (cùng đóng tại số 257 Ba Cu, TP Vũng Tàu). Bà Trang là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc của 2 công ty trên.
Trước đó, năm 2018, Cơ quan CSĐT đã khởi tố bị can đối với Huỳnh Thị Ngân Trang về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bà Trang bị khởi tố nhưng cho tại ngoại vì đang nuôi con nhỏ.
Đến tháng 4-2020, Cơ quan CSĐT khởi tố thêm bị can Phạm Thị Thu Hà (thành viên HĐQT, cùng Quản lý quỹ đầu tư Sao Vàng) cũng với tội danh trên.
Trong thời gian khách hàng tố cáo thì trùng hợp bà Trang thông báo đang mang bầu. Sau khi sinh con, bà Trang bị khởi tố và áp dụng biện pháp ngăn chặn "cấm đi khỏi nơi cư trú" do nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.
Tuy nhiên, đến tháng 3-2020, bà Trang đã bỏ trốn. Cơ quan CSĐT đã ra quyết định truy nã. Trước đó, đã có hơn 1.000 người liên quan đến vụ án với số tiền công ty không còn khả năng chi trả là 700 tỉ đồng.
Bảo Anh
from Tin tức 24h - Tin mới, tin nóng, tin nhanh 24h trong ngày https://ift.tt/30hCjtF
via IFTTT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét