“Nước Mỹ khủng hoảng” - đó là điều mà báo chí đặt tên cho những ngày này của đất nước tượng thần tự do. Ngay đến đại dịch coronavirus cũng phải nhường trang nhất.
Những gì đang xảy ra có cả đau thương trầm lắng, tức giận bất bình, đến bạo động quá khích. Một nước Mỹ chia rẽ và nhiều ý kiến trái chiều, lại đang đối diện với một cuộc khủng hoảng kép, với những hệ lụy phức tạp, cả về chính trị, kinh tế, xã hội phức tạp. Để hiểu điều này đòi hỏi phải lần giở không chỉ diễn biến 2 tuần qua, mà còn cả những bi thương của quá khứ. Đó là vết thương chưa lành của nước Mỹ, có căn nguyên sâu xa từ sự bất công và phân biệt chủng tộc, đan xen với hành vi vô cảm của cảnh sát.
8 phút 42 giây và một thảm họa: Sự việc bắt đầu từ cái chết tức tưởi của George Floyd - một người Mỹ gốc Phi. George Floyd bị cảnh sát Minneapolis bắt do bị nghi tiêu tờ 20 đô la giả. Trong lúc bắt giữ, một cảnh sát da trắng, Derek Chauvin, đã ghì chặt cổ Floyd cho đến tắc thở, mặc dù khi đó Floyd đã bị còng tay và nằm sấp. Mọi việc chỉ diễn ra trong 8 phút 42 giây.
Khám nghiệm sau đó cho thấy, Floyd đã mất phản ứng và bất động từ thời điểm 5 phút 49 giây, tức 2 phút 53 giây trước đó. Video quay lại của người qua đường còn cho thấy một cái chết tức tưởi và thương tâm hơn thế. Đó là cảnh Floyd, bị còng tay và ghì cổ, trước khi chết còn cố gọi người mẹ đã mất của mình và nhiều lần kêu “tôi không thể thở được”, trước sự chứng kiến của các cảnh sát còn lại. Cảnh này ngay lập tức đã gây nên một làn sóng giận giữ không chỉ ở Minneapolis mà còn với cả nước Mỹ, nhắc người ta nhớ đến nhiều cái chết oan uổng dưới tay cảnh sát trước đây.
Nỗi đau lặp lại: Thực sự đó là một nỗi đau lặp lại. “Tôi không thể thở được”, tiếng kêu vào phút cuối của Floyd, lại là một sự trùng hợp kỳ lạ và trớ trêu của lịch sử. Một thảm cảnh tương tự đã xảy ra trước đó 6 năm, vào ngày 17/7/2014. Đó là trường hợp Eric Gardner, một người Mỹ da màu, bị cảnh sát New York bắt do nghi bán thuốc lá lẻ không có tem thuế. Garner cũng đã bị một cảnh sát da trắng ghì cổ đến tử vong, trước sự chứng kiến của những cảnh sát khác và trước khi tắc thở, đã liên tục kêu cụm từ này tới 11 lần.
Ngay sau đó, “Tôi không thể thở” đã trở thành khẩu hiệu chính trị của phong trào rộng khắp nước Mỹ chống lại sự bạo hành của cảnh sát, gắn với các phong trào dân quyền và chống lại nạn phân biệt chủng tộc, nhất là phong trào “Sinh mạng người da đen cũng là quan trọng”.
Nước Mỹ nổi giận: Một lần nữa cả nước Mỹ chìm trong bất bình và biểu tình sục sôi, đã có cả bạo lực và cũng đã có thêm thương vong từ các vụ lộn xộn này. Bắt đầu bằng việc hàng ngàn người biểu tình ôn hoà ở Minneapolis ngay ngày hôm sau, 26/5. Chauvin và 3 cảnh sát khác có liên quan bị buộc thôi việc, nhưng điều đó là quá nhẹ và chưa phải là công lý mà người dân đòi hỏi. Gia đình Floyd yêu cầu cả 4 viên cảnh sát phải chịu trách nhiệm hình sự.
Làn sóng biểu tình phản đối và bất bình đã nhanh chóng từ Minneapolis lan ra hầu khắp nước Mỹ. Nhiều nơi, biểu tình từ hòa bình, đã nảy sinh bạo lực, cướp cửa hàng, đốt xe, chặn đường cao tốc.
Ngay tại thủ đô Washington DC, người biểu tình đã vây chặt khu vực quanh Nhà Trắng, có cả những hành vi kích động, đốt phá. Có lúc, mật vụ Mỹ buộc phải đưa Tổng thống Trump xuống hầm trú ẩn trong Nhà Trắng. Hơn 40 thành phố đã phải áp đặt tình trạng giới nghiêm, cảnh sát và vệ binh quốc gia được huy động tối đa để duy trì trật tự, an ninh và chống bạo động.
Cảnh sát luôn đứng trước trách nhiệm kép về bảo đảm công lý và dân quyền. Tiếc là, không phải lúc nào vế hai cũng được thực thi, nhất là với người da màu.
Không chỉ trường hợp Floyd hay Gardner nêu trên, người ta còn có thể kể đến hàng loạt các vụ việc khác, đối với những người da màu, trong lịch sử, cũng như thời gian gần đây. Chỉ xin đơn cử một số vụ người da màu bị chết bởi cảnh sát sử dụng vũ lực quá mức khi thực thi nhiệm vụ, vẫn thường được nhắc lại như: Mike Green (Detroit, 1992), Amadou Diallo (New York, 1999), Mike Brown (Ferguson, 2014), Freddy Gray (Baltimore, 2015), Philando Castile (Minnesota, 2016), hay Ahmand Arberg (Georgia, 2020).
Bạo hành của cảnh sát với người da màu là một câu chuyện dài và vẫn là một vết thương chưa lành của nước Mỹ. Cứ mỗi đợt bùng nổ như lần này, dư luận lại càng đòi hỏi nước Mỹ phải cải cách căn bản hệ thống cảnh sát và hình sự. Nhưng dường như, câu trả lời thỏa đáng vẫn là chưa có.
Nước Mỹ có một lịch sử lâu dài về đấu tranh vì dân quyền, xoá nô lệ, phân biệt chủng tộc. Đó không phải là một quá trình dễ dàng. Tình trạng khủng hoảng, biểu tình lần này được dư luận Mỹ liên hệ với những phong trào đòi dân quyền của người da đen vào những năm 50 và 60 của thế kỷ trước, trong đó có biểu tượng Martin Luther King. Theo đó, các đạo luật liên bang về dân quyền (1964) và quyền bỏ phiếu (1965) đã được thông qua.
Nổi tiếng là cuộc tuần hành hòa bình của hàng ngàn người gốc Phi qua cầu Selma (Alabama), cách đây đúng 55 năm, trong đó có ngày “Chủ nhật đẫm máu”, 7/3/1965, khi người biểu tình bị quân đội đàn áp. Nhưng chính cuộc tuần hành này đã góp phần đưa đến đạo luật về quyền bỏ phiếu (8/1965). Một trong hai người dẫn đầu đoàn biểu tình vượt qua cầu Selma khi đó, đến nay vẫn còn, hiện là hạ nghị sĩ liên bang và một biểu tượng của đấu tranh dân quyền, là John Lewis, khi đó 25 tuổi.
Người ta cũng liên hệ đến 1968, khi mà Martin Luther King, nhà lãnh đạo đấu tranh cho dân quyền và quyền của người da màu, bị ám sát. Hay gần đây nhất là vụ tấn công vào đoàn biểu tình chống cực đoan da trắng ở Charlottesville năm 2017, làm một người chết và hàng chục người bị thương.
Những biểu hiện nổi bật về bất bình đẳng đối với người da màu là về học vấn, địa vị xã hội và nhất là thu nhập. Theo khảo sát của Pew (2020), thu nhập bình quân theo hộ gia đình năm 2018 của người da đen chỉ bằng 61% của người da trắng; 20% hộ giàu nhất nắm tới một nửa thu nhập của toàn nước Mỹ.
Ngay trong đại dịch Covid-19 hiện nay, do điều kiện sống, bảo hiểm và thu nhập, tỉ lệ tử vong với người da đen cũng cao gấp 3 lần người da trắng.
Như thế để nói rằng, dù đã có hiến pháp hay các luật về dân quyền và bình đẳng, khoảng cách xã hội giữa các màu da và những biểu hiện của nạn phân biệt chủng tộc đến nay vẫn còn tồn tại dai dẳng và sâu trong lòng nước Mỹ. Vì vậy, mỗi lần có khủng hoảng, là người ta lại một lần nữa nhấn mạnh đến các cải cách mang tính toàn diện, cả về chính trị và các điều kiện kinh tế, xã hội.
Từ hành vi bạo hành, có yếu tố chủng tộc, của cảnh sát đã dẫn đến làn sóng bất bình rộng khắp nước Mỹ và cả bên ngoài nước Mỹ. Vụ George Floyd là giọt nước tràn ly cho những bức xúc của dân chúng, trước nhiều vấn đề xã hội phức. Ở đây có vấn đề chủng tộc, có vấn đề bạo hành của cảnh sát, có cả vấn đề bất bình đẳng trong xã hội. Có cả những bức xúc và hệ lụy nhiều mặt nảy sinh từ đại dịch Covid-19 và phong tỏa, đình trệ các hoạt động xã hội, sản xuất, kinh tế kéo dài. Chính vì vậy, nước Mỹ đang bị rơi vào một cuộc khủng hoảng kép, đại dịch và bất bình xã hội. Có người đã ví cuộc khủng hoảng lần này là sự tổng hợp và tương tự như các năm 1918 (dịch bệnh), những năm 1930 (suy thoái), 1965-68 (dân quyền, phân biệt chủng tộc).
Cuộc khủng hoảng lần này bộc lộ nhiều vấn đề âm ỉ trong lòng nước Mỹ. Điều này lại càng sâu sắc hơn vào thời điểm mà xã hội và chính trị nước Mỹ đã và đang ngày càng bị phân cực.
Trước hết, là về các cuộc biểu tình. Ở đây có hai mặt của vấn đề: Biểu tình hoà bình đòi công lý và các hành vi kích động, bạo lực, phá phách. Sự bất bình của người dân trước sự bạo hành của cảnh sát dẫn đến các cuộc biểu tình là điều tất nhiên ở nước Mỹ. Tuy có rất nhiều tổ chức, lực lượng khác nhau, nhưng biểu tình ôn hoà vẫn là điều mà đa số người Mỹ mong muốn. Ngay cả gia đình Floyd cũng đã phải lên tiếng kêu gọi điều này. Nước Mỹ cũng từng có rất nhiều các cuộc biểu tình lớn và ôn hoà, như: Tuần hành vịt phụ nữ 2017 (khoảng 5 triệu người) hay tuần hành vì cuộc sống, chống bạo lực súng đạn năm 2018 (gần 2 triệu người).
Về hành động kích động bạo lực, hiện vẫn còn các đánh giá khác nhau, do cực đoan, kỳ thị sắc tộc hoặc có cả do những hành động bột phát và quá khích, khi mà nhiều bức xúc bị dồn nén. Tổng thống Trump đổ lỗi cho các nhóm cực đoan có tên Antifa (chống phát xít) mang tính khủng bố.
Tiếp đó, là vấn đề quản trị và xử lý. Các cuộc biểu tình lan rộng, lại phát sinh cả các hành vi bạo lực, cướp bóc, đốt phá… vào đúng thời điểm nước Mỹ đang tính mở cửa trở lại sau một thời gian dài bị phong tỏa vì dịch bệnh.
Tổng thống Trump một mặt chia sẻ đau buồn với gia đình Floyd, coi cái chết này là không đáng có, khẳng định sẽ cho điều tra thấu đáo về việc này. Mặt khác, ông thể hiện quan điểm mạnh và nhất quán về ưu tiên duy trì trật tự và luật pháp; nước Mỹ tiến hành giới nghiêm ở nhiều thành phố và cảnh sát được huy động tối đa để duy trì trật tự và chống các hành vi bạo lực; khẳng định coi Antifa là tổ chức khủng bố; thậm chí đe dọa huy động lực lượng quân đội (điều mà đa số lên tiếng phản đối, kể cả Bộ trưởng Quốc phòng Esper).
Trump cũng lên tiếng chỉ trích phe Dân chủ, nhất là các thống đốc, thị trưởng của Dân chủ đã không áp dụng các biện pháp cần thiết và đủ mạnh để duy trì trật tự, bảo đảm điều kiện để mở lại nước Mỹ sau đại dịch. Phe Dân chủ, bao gồm cả cựu Phó Tổng thống Biden, nhấn mạnh đây phải là thời điểm hàn gắn vết thương, chỉ trích cách tiếp cận và các phát biểu của ông Trump chỉ khoét sâu thêm bất bình và mâu thuẫn trong lòng nước Mỹ. Cựu Tổng thống Obama thì nhấn mạnh nước Mỹ phải biến cuộc khủng hoảng lần này thành động lực để cải cách và đem lại công lý và bình đẳng.
Nhiều câu hỏi đặt ra từ cuộc khủng hoảng lần này vẫn còn để ngỏ và chưa có lời giải.
Những quan điểm khác biệt như trên càng bộ lộ sự phân hoá sâu sắc hơn của nội bộ và chính trị nước Mỹ.
Trong xử lý khủng hoảng, dư luận cho rằng, Cộng hòa và Dân chủ đều tìm cách giành lợi thế chính trị cho mình, kể cả chỉ trích phía bên kia, nhất là khi mùa bầu cử đang tới gần.
Ông Trump gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19. Những ngày gần đây, trong các cuộc thăm dò dư luận về bầu cử Tổng thống tháng 11 tới, tỉ lệ ủng hộ Trump liên tục giảm, chỉ còn hơn 40%, có lúc bị ứng viên Biden dẫn tới gần 10 điểm. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý bài học bầu cử năm 2016, khi mà Trump không có đa số phiếu phổ thông, nhưng lại thắng ở các phiếu đại cử tri và vẫn duy trì được lực lượng cử tri nòng cốt, nhất là tại các bang dễ thay đổi.
Cách xử lý của ông Trump đối với vụ Floyd bị coi là gây chia rẽ và đổ thêm dầu vào lửa, có thể làm mất thêm số phiếu từ cử tri da đen. Nhưng việc ông nhất quán về duy trì trật tự và luật pháp, vẫn có thể làm hài lòng bộ phận cử tri nòng cốt của mình. Ông cũng đang rất chủ động và trông đợi việc mở cửa nước Mỹ có thể sớm đem lại những dấu hiệu khả quan về phục hồi kinh tế. Mặt khác, không chỉ đổ lỗi các khó khăn hiện nay trong nội bộ cho phía Dân chủ, Tổng thống còn thúc đẩy những bước đi mạnh ở bên ngoài, nhất là với Trung Quốc, điều này cũng sẽ giúp ông tranh thủ được thêm cử tri, khi họ cũng có nhiều bức xúc về Trung Quốc.
Trong khi đó, ông Biden chưa có gì nổi bật và cũng gặp không ít khó khăn, đặc biệt là phải ở thế thụ động và phải cách ly xã hội trong khi cả nước Mỹ gặp vô vàn thách thức từ đại dịch và cuộc khủng hoảng này.
Như vậy cuộc chạy đua vào Nhà Trắng cuối năm nay sẽ tiếp tục còn có nhiều phức tạp và khó dự báo. Điều ông Trump trông đợi nhất là sớm có thể mở cửa và khôi phục lại kinh tế, khi đó sẽ nhân lên được lợi thế.
Phạm Quang Vinh
Trump-Biden tranh cử: Người ngoài phố, người trong Zoom
Ông Trump vẫn tiếp tục chiến dịch vận động tranh cử như thể không có đại dịch. Trong khi đó, ông Biden ở trong nhà suốt ba tháng từ khi bắt đầu đại dịch...
from Tin tức 24h - Tin mới, tin nóng, tin nhanh 24h trong ngày https://ift.tt/2MzTMpr
via IFTTT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét